Thị trường ứng dụng gọi xe đang chứng kiến sự phát triển có thể gọi là “thần tốc” của hai ứng dụng thuần việt là FastGo và Be. Tuy vậy, để đương đầu với những “gã khổng lồ” như Grab hay Go-Viet thì cả hai CEO của FastGo và Be đều cho rằng, phải có những bước đi khác biệt.
Đương đầu với ông lớn
Trong khi, “gã khổng lồ” Grab còn đang tập trung mở rộng thị phần sang đa lĩnh vực với tham vọng xây dựng một hệ sinh thái trên một ứng dụng Grab thì những tân binh gọi xe như FastGe hay Be đang có những bước đi bài bản, vững chắc để xâm nhập vào thị trường gọi xe.
Giữa tháng 5, dư luận khá bất ngờ khi ứng dụng gọi xe thuần Việt FastGo đã chính thức ra mắt dịch vụ du lịch bằng trực thăng thông qua dịch vụ mang tên FastSky tích hợp ngay trên nền tảng gọi xe, du lịch ngắm cảnh tại vịnh Hạ Long khá độc đáo. Đây là một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam. FastGo là ứng dụng gọi xe của Việt Nam, trực thuộc Tập đoàn NextTech, hệ sinh thái điện tử hoá kinh tế tại Việt Nam với hơn 20 sản phẩm dịch vụ công nghệ trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính (Fintech) và hậu cần kho vận.
FastGo được người tiêu dùng biết đến vào tháng 6/2018 khi chính thức tham gia các thị trường lớn như Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng. Sau một năm hoạt động, FastGo hiện có mặt tại 3 nước Việt Nam, Myanmar và Singapore với 70.000 đối tác lái xe, đã thực hiện gần hai triệu chuyến đi thành công. FastGo hiện đang cung cấp các dịch vụ chính là FastCar, FastTaxi, FastBike. Ứng dụng gọi xe này cũng đã thu hút được vốn đầu tư từ quỹ đầu tư VinaCapital ngày 30/8/2018 và tiếp tục huy động vốn đợt hai lên đến 50 triệu USD.
Ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO ứng dụng gọi xe FastGo
Về sự ra đời của FastSky, ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO FastGo cho rằng, đây là dịch vụ đang gây sốt trên thế giới khi Uber đang có những thử nghiệm đầu tiên. Trên thế giới đã nhen nhóm mô hình taxi bay nhưng ở Việt Nam còn mới mẻ. Trong tương lai chắc chắn dịch vụ này sẽ trở nên phổ biến trong 5 – 10 năm nữa. Một điểm yếu của dịch vụ “taxi bay” là giá khá cao, khó có thể tiếp cận tới đông đảo người dùng Việt Nam. Để hạn chế nhược điểm này, CEO của FastGo chia sẻ, tại Việt Nam, khách hàng muốn sử dụng dịch vụ này có thể theo hình thức trả góp hàng tháng. Và, không chỉ hướng tới người dùng Việt Nam, FastGo còn đặt mục tiêu đưa dịch vụ này ra rộng khắp các nước Đông Nam Á. Đồng thời trở thành 1 trong 3 ứng dụng gọi xe hàng đầu khu vực Đông Nam Á với 50 triệu khách hàng, 1 triệu đối tác, đạt doanh thu tỷ USD vào năm 2021. Trước mắt, FastGo đặt mục tiêu, 6 tháng cuối năm 2019 sẽ phát triển 1 triệu khách hàng với 20.000 đối tác tài xế tại Myanmar. Ứng dụng đặt xe thuần Việt này sẽ mở rộng ra Indonesia, Thái Lan.
Starup cần có sự khác biệt và điên rồ
Chia sẻ về thành công khi startup, CEO FastGo bày tỏ, cơ hội đến với những người dám làm điều khác biệt: “Việc chúng ta mơ và làm những cái không tưởng, chưa ai nghĩ đến, những điều khi chúng ta nói ra mọi người đều cười thì đó là chúng ta thành công, hơn việc chúng ta làm ra những điều ai cũng biết, ai cũng có thể làm được thì cơ hội của chúng ta sẽ thấp đi.
Với sự phát triển của công nghệ thì việc đi chung lên mặt trăng và lên vũ trụ cũng đang rất gần và đều nằm trong dề án của các công ty đang có những ý tưởng đột phá và điên rồ. Tôi nghĩ rằng những việc này cũng sẽ được thực hiện sớm thôi”- ông Nguyễn Hữu Tuất chia sẻ.
Bên cạnh ứng dụng gọi xe thuần Việt FastGo, thị trường gọi xe cũng vừa có sự tham gia của Be. Và chỉ một thời gian ngắn, nhưng ứng dụng gọi xe này đang cho thấy mình là một đối thủ đáng gờm của ông lớn Grab. Theo một con số được công bố bởi Be Group, các ứng dụng gọi xe nước ngoài chiếm khoảng 70% thị phần gọi xe tại Việt Nam. Hơn 100 doanh nghiệp vận tải còn lại chỉ nắm giữ 30% thị phần trong nước. Phó Tổng giám đốc Be Group Đỗ Mạnh Tuân thừa nhận, đây là thực tế nhưng cũng là một sự “đau xót” với giới công nghệ Việt.
Và, không ít các nhà startup đã đặt ra câu hỏi, làm thế nào để khởi nghiệp thành công, đương đầu với các ông lớn để đứng vững trên thị trường, Be Group cũng không ngoại lệ. Ông Đỗ Mạnh Tuân cũng cho biết, việc có những đối thủ ngoại mạnh như vậy là động lực. “Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng đó là một áp lực mà là động lực cho Be để có thể theo đuổi một đối thủ có tiềm lực về vốn, công nghệ và đang nắm giữ khoảng 70% thị phần Việt Nam. Họ tạo ra động lực cho chúng ta cố gắng”.
Cùng chung quan điểm này, CEO FastGO cho hay: “Sân nhà lúc nào cũng có lợi thế. Chúng ta không bao giờ chết trên sân nhà. Cần phải huy động mọi lực lượng để ủng hộ chúng ta trong việc phát triển và phải ra các dịch vụ có giá trị và khiến họ tự hào về chúng ta”. Theo ông Nguyễn Hữu Tuất, cần phải có chiến lược lâu dài, tận dụng tốt lợi thế sân nhà.
Thu Hà