Ma trận hàng xách tay: Xách tay hay... hàng giả?

Không có mấy ai “giải mã” hàng xách tay, thế nhưng nó cứ từ từ đi vào cuộc sống của tín đồ shopping như một lời khẳng định, hàng xách tay có nghĩa là hàng xịn, hàng chuẩn có xuất xứ từ chính quốc. Và có lẽ do sự ưa chuộng hàng xách tay, nên các shop hàng xách tay dễ dàng tìm thấy ở bất cứ con phố nào ở thành phố Hà Nội. Không những thế, hàng xách tay còn được phân phối bởi các cá nhân nhỏ lẻ, những bà nội trợ, nhân viên khối văn phòng… 

Hàng xách tay không thể mua số lượng lớn

Chị Khánh Ly (Ba Đình, Hà Nội) đã buôn bán hàng xách tay hơn 2 năm nay. Là viên chức của một cơ quan nhà nước, lại có người cô làm nhân viên bán hàng siêu thị bên Pháp nên chị sẵn mối hàng từ Pháp chuyển về. Mặt hàng của chị chủ yếu là mỹ phẩm, nước hoa, tùy thời điểm có thể có thêm chút ít bánh kẹo hoặc đồ gia dụng. Chị cho biết, khách hàng của chị tương đối chọn lọc, bởi đa phần hàng xách tay là những mặt hàng sa sỉ, và cũng không nhiều để mà có thể phân phối cho số đông.

“Nguồn hàng xách tay mà tôi biết thì có 3 nguồn sau, một là những người Việt Nam sinh sống, học tập tại nước ngoài, hai là các hướng dẫn viên du lịch và 3 là các tiếp viên hàng không trên các chuyến bay quốc tế”. Do có thời gian, điều kiện nên những người trên thường xuyên tiếp cận và mua hàng để gửi, xách về Việt Nam bán thêm kiếm lời. Nhưng bền và chắc nhất, đó là những nguồn hàng từ người Việt sinh sống ở nước ngoài, bởi những người này thông hiểu các shop, các siêu thị… nhất là nhưng đợt giảm giá để mua hàng chuyển về Việt Nam.

Ma trận hàng xách tay: Xách tay hay... hàng giả?

Tuy nhiên, cũng có những nhóm chuyên mua hàng để chuyển về Việt Nam, đó được tổ chức khá quy mô, từ đầu mua, đầu vận chuyển đến địa điểm phân phối. Nhưng nếu không cẩn thận, hàng ở các nguồn này cũng rất dễ dính phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc hàng sản xuất ở một nước thứ 3. Chị Ly cho biết.

Người dùng hàng xách tay ở Việt Nam thì nhiều, nhưng ít người biết rằng các hãng lớn ở nước ngoài sẽ không đổ buôn cho các đại lý hoặc cá nhân, nên hầu hết hàng hóa có từ các nguồn này đều phải mua từng sản phẩm nhỏ lẻ. Hơn nữa, quản lý của các cửa hàng lại tương đối chặt, các hãng với quan điểm đã đến tay người mua, thì người ấy phải thực sự có nhu cầu nên khách hàng đi mua mỗi lần chỉ mua được số lượng rất ít. Và do quản lý giao dịch bằng mã số, nên khi trên hệ thống thấy có sự bất thường về mua bán, hãng đó sẽ dừng ngay việc cung cấp hàng cho khách hàng có mã số tương ứng. 

Để lách chính sách trên, đồng thời nhằm gom được hàng trong những đợt sale với số lượng lớn, những người Việt Nam “chuyên nghiệp” trong việc thu gom hàng lại tận dụng các em sinh viên đang học tập tại nước đó. Mỗi em sinh viên là một đầu mối thu mua, gom đến cho các đầu mối này, chuyển về nước. Tuy nhiên, có nhờ vả thế nào số lượng cũng không quá nhiều. Do hạn chế việc di chuyển, nên nếu có lấy được nhiều hàng thì đồng nghĩa với việc tiền trả thù lao cho người đi mua hàng hộ cũng cao nên việc thu gom không phải lúc nào cũng diễn ra.

“Còn với tiếp viên hàng không hoặc hướng dẫn viên du lịch lại bị hạn chế vì sự khống chế cân nặng, cũng như kiểm soát hàng hóa của Hải quan ở các sân bay quốc tế”, chị Ly nói. Cũng có nhiều những mánh khóe khác để qua mặt các cơ quan chức năng, thế nhưng cũng không thể quá nhiều để mà cung cấp đầy đủ như các showroom chính hãng trong nước. Có lẽ vì thế nên chị không có quá nhiều khách. “Hình thức Order là cái mà tôi khuyến khích khách của mình, khách đặt mua sản phẩm, tôi nhận thông tin rồi chuyển đơn cho đầu bên kia, sau 2, 3 tuần hàng được chuyển về cho khách.”

Như đã nói, hàng xách tay có số lượng không quá nhiều, giá thành lại không rẻ, chuyện vận chuyển về Việt Nam cũng không quá dễ nên nguồn hàng xách tay ở trong nước không quá phong phú và nhiều đến độ… muốn bao nhiêu cũng có. Thế nhưng chỉ tính riêng ở Hà Nội, số cửa hàng, cá nhân, kể cả các đơn vị chuyên cung cấp hàng xách tay lại nhiều như nấm sau mưa.

“Thượng vàng hạ cám” đó là cái mà các cá nhân, hộ kinh doanh hàng xách tay hiện đang cung cấp tại Việt Nam. Mác là hàng xách tay, nhưng xách tay ở đâu, hàng chất lượng ra sao thì không phải người kinh doanh nào cũng nắm rõ. Đấy là chưa nói có thể người bán biết rõ nguồn gốc, nhưng bởi vì lợi nhuận nên cố tình giả như… không biết.

Lại cũng có những đợt có những shop chuyên hàng xách tay rao bán và chạy quảng cáo rầm rộ trên facebook về lô hàng bị… móp vỏ nên bán nhanh chỉ bằng 50% giá nhập. Nói là vài ba lọ, thế nhưng thực tế thì muốn bao nhiêu… cũng có. 

Hàng hóa dồi dào, quảng cáo “lọt tai”, tuy nhiên chất lượng thật sự của các loại “mỹ phẩm xách tay” này đến đâu thì không ai nắm rõ, kể cả người sành sỏi về mỹ phẩm. Một người bán đã tiết lộ, có hai nguồn: một là hàng “xịn” bị pha tạp cho tăng số lượng, hai là lấy nguồn từ Trung Quốc, Campuchia sang. Nếu pha tỉ lệ 30-70% thì kem dưỡng, nước hoa không bị biến mùi đáng kể, có thể chiết ra làm nhiều hộp, tuy là tác dụng có giảm đi ít nhiều.

Ma trận hàng xách tay: Xách tay hay... hàng giả?

Khó khăn trong việc xử lý

Đa số hàng xách tay có chất lượng tốt, nhu cầu tiêu dùng của người dân lại cao, lợi dụng tâm lý đó, hàng giả, hàng nhái được trà trộn lẫn lộn. Người mua đôi khi tiền mất, tật mang, trả tiền thật nhưng mua hàng giả lại chẳng biết kêu ai.Với các cơ quan chức năng, đây cũng là một bài toán khó.

Hiện nay chưa có quy định pháp luật cho việc kinh doanh hàng xách tay, tuy nhiên, nếu "hàng xách tay" là hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng bị cấm thì vẫn bị xử phạt"

Trong Hội thảo Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại – Phát triển thị trường trong hội nhập quốc tế tháng 3/2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã cho biết, trong năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý gần 92 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 490 tỷ đồng; ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 93 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng tình hình thực tế, chưa đáp ứng mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đáng chú ý, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận với thương mại điện tử thông qua việc thành lập các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến, do đó nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...; đặc biệt là các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... được bày bán công khai, tràn lan trên các website thương mại điện tử và trên mạng xã hội gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý do những vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ vốn đã phức tạp và khó khăn thì những vi phạm trong thương mại điện tử còn “tinh vi” và phức tạp hơn rất nhiều.

Hàng xách tay chính là hàng lậu và đang thao túng thị trường, có nhiều ý kiến như vậy, minh chứng ví như một lọ tăm ở siêu thị cũng phải chịu thuế VAT, trong khi hàng xách tay lớn hay nhỏ đều không phải chịu thuế và không ai có thể bảo đảm chất lượng của loại hàng hóa này, nhất là thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa… Sở dĩ, hàng xách tay có đất sống là vì tâm lý chuộng hàng ngoại, giá lại rẻ so với chính hãng.

Minh Dương

Bình luận/hỏi đáp

Lưu ý: Thông tin của bạn sẽ được bảo mật.

Loading...
Bản quyền thuộc