Không phải chỉ đến khi vụ việc Khai Silk hay Azanso bị vỡ lở thì người tiêu dùng mới ngã ngửa vì mua hàng Việt nhưng lại được hàng nước khác, mà từ rất lâu rồi, chiêu bài hàng Trung Quốc được hô biến thành hàng có nhãn mác Made in Vietnam đã gần như phổ biến trên thị trường Việt Nam. Ngành hàng điện tử có khi còn mất công tẩy xóa, chứ hàng may mặc, cái việc thay tên đổi họ cho sản phẩm dễ dàng như trở bàn tay.
Thế nào là hàng Made in Vietnam?
Hiện nay, tại Việt Nam, việc ghi dán mác xuất xứ trên nhãn hàng được thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ. Theo đó, điều 12 của Nghị định có điểm nêu: “Hàng hóa có cùng thương hiệu được sản xuất tại nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, được ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đó trên nhãn hàng hóa nếu chất lượng của hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa đó công bố hoặc đăng ký lưu hành và phải bảo đảm truy xuất được nguồn gốc của hàng hóa.”
Điều đó có nghĩa, để gắn mác Made in Vietnam, doanh nghiệp chỉ cần chịu trách nhiệm với chính họ chứ không có bất cứ một tiêu chí, một quy định cụ thể nào cụ thể, rõ ràng. Đơn giản như vậy, thế nên khi mà ở Việt Nam, đến một cái đinh vít còn từ chối vì không sản xuất được nhưng hàng Made in Vietnam lại tràn ngập thị trường.
Không hiếm như hàng điện tử, hàng thời trang may mặc là mặt hàng dễ tìm và phổ biến nhất nếu như “thượng đế” có ý định kiếm tìm một mặt hàng Made in Vietnam nào đó. Hàng Việt Nam xuất khẩu, hàng xuất dư… như một lá bùa để khách hàng dễ dàng rút ví không ngần ngại. Đắt rẻ không thành vấn đề, mà mua hàng Việt Nam là yêu nước, là yên tâm, là an toàn?!
Không ít hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài
nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Viet Nam”
Thế nhưng thực sự Made in Vietnam có thực sự là của Việt Nam không lại là câu chuyện khác. Ở Việt Nam không thiếu những thương hiệu may mặc được xuất khẩu đi nước ngoài, ví như May 10, Việt Tiến… nhưng các thương hiệu này chỉ tập trung ở một phân khúc nhất định. Và bởi làm việc với các đối tác nước ngoài, nên các thương hiệu đó buộc phải tuân thủ theo những quy định, tiêu chuẩn nước bạn một cách nghiêm ngặt. Còn hàng thời trang hiện đang xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm hiện nay, đó là Made in Vietnam một cách hết sức chung chung. Các mặt hàng ở đây thì đa dạng, nhiều kiểu, nhiều cách, đáp ứng được hầu hết các khách hàng ở mọi tầng lớp, lứa tuổi.
Made in Vietnam, hiện đang được hiểu là xuất xứ hàng hóa. Vậy xuất xứ hàng hóa đã được định nghĩa chung: Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
Nhưng không khó để biết được cái xuất xứ ấy có đúng theo các Nghị định quy định hay không. Không úp mở, chị Hằng, chủ một shop thời trang ở Cổ Nhuế cười, chị cho biết: Hàng thời trang hiện bán ở các cửa hàng Việt Nam xuất khẩu hiện có 2 loại, một là hàng các xưởng may theo mẫu sẵn, 2 là hàng nhập. Mà hàng nhập tất nhiên đa phần là hàng… Trung Quốc.
Thế nhưng hàng Việt Nam có được may ở Việt Nam thì cũng đa phần lấy mẫu từ các mẫu của Trung Quốc. Còn hàng Trung Quốc về Việt Nam được hô biến thành Made in Vietnam thì nhiều nguồn. Đó là nguồn hàng được nhập trực tiếp từ Trung Quốc, hàng sẵn, khi nhập về mất công đoạn bỏ nhãn tiếng Trung, thay nhãn. Hoặc có những chủ hàng lấy mẫu sẵn từ các thương hiệu nổi tiếng rồi đặt may gia công bên Trung Quốc, sau đó quay ngược về Việt Nam để gắn tem nhãn theo ý đồ của chủ cửa hàng.
Không quá khó để tìm mua các phụ kiện, tem nhãn để phục vụ ý đồ “biến” hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam. Cũng chỉ cần dạo qua mấy phố Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân… hàng loạt những gian hàng kinh doanh mặt hàng này. Và theo anh An, một chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng này, hàng này cũng chủ yếu nhập từ… Trung Quốc.
Chưa có tiêu chí rõ ràng, trong Nghị định 31/2018/NĐ-CP cũng quy định những trường hợp được xem là hàng hóa có xuất xứ từ vùng lãnh thổ nào đó, cụ thể: “Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ…” và phải đáp ứng các một loạt các điều kiện. Thế nhưng để mà cụ thể, ràng mạch và rõ ràng thì… chưa. Cũng trong câu chuyện này, khi đề cập đến thế nào là Made in Vietnam chị Hằng cũng băn khoăn: “Nói là Made in Vietnam, đồng ý là sản phẩm may tại Việt Nam, thế nhưng mẫu mã ăn cắp, vải nhập, máy móc nhập, phụ kiện nhập đến sợi chỉ cũng nhập… thì có còn gọi là Made in Vietnam không?
Tiêu chí cho hàng được dán nhãn Made in Vietnam
Mới đây, Bộ Công thương đã đang xây dựng dự thảo bộ tiêu chí cho hàng được dán nhãn Made in Vietnam để lấy ý kiến. Đó là điều hết sức cần thiết, vì theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhìn chung, các nước tiên tiến đều có quy định về việc ghi nhãn nước sản xuất, việc dãn nhãn mác, các nước tiên tiến đều có quy định về việc ghi nhãn nước sản xuất. Đối với các mặt hàng cần bảo hộ hoặc đã có thương hiệu mang tầm quốc tế, dù sản xuất ở nước khác nhưng vẫn phải theo những quy định tiêu chuẩn cụ thể. Có thể ví dụ như quy định của Thụy Sỹ về đồng hồ, quy định của Mỹ với ngành công nghiệp ô tô…
Thời gian qua, hiện tượng buôn bán hàng giả nhãn mác Việt Nam diễn biến phức tạp.
(Ảnh minh họa)
Theo một cán bộ của Bộ Công thương, từ tháng 2/2019, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cảnh báo: Xuất phát từ thực tế Nhiều sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã khẳng định được chất lượng cao, ổn định, có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Việt Nam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.
Có trường hợp thương nhân không cố tình gian lận, nhưng quan niệm của thương nhân về vấn đề này còn đơn giản, không nhận thức hết những ảnh hưởng to lớn đối với nền sản xuất quốc gia.
Để khắc phục tình trạng này, theo vị này: Từ năm 2018 Bộ Công Thương đã trao đổi với các bộ, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ (liên quan Nghị định 43 về nhãn hàng hóa), Bộ Tư pháp. Sau đó, Bộ đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về nhu cầu xây dựng một Nghị định về vấn đề “made in Việt Nam” này.
Sau đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến là cho phép làm thông tư, không làm Nghị định. Hiện Bộ Công Thương đang xúc tiến các công việc để xây dựng thông tư quy định ghi nhãn hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam.
Hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất Made in Vietnam đang là một nhu cầu cấp bách và cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Ngọc Dung