Ông Nguyễn Văn Hà – Giám đốc doanh nghiệp Tăm tre Bình Minh là hội viên Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, từng có sản phẩm bị làm giả, nhái, bị kinh doanh không lành mạnh. Tuy nhiên bằng bản lĩnh, ông đã “chiến đấu” để giành lấy đất sống cho doanh nghiệp.
Câu chuyện của doanh nghiệp ông xảy ra năm 2008. Đang kinh doanh bình yên với tốc độ tăng trưởng khá, sản phẩm đã có uy tín và thương hiệu trên thị trường, bất ngờ ông được một “đối tác” Trung Quốc đề nghị ông cung cấp nguyên liệu, ngược lại họ sẽ bán tăm thành phẩm với giá chỉ rẻ bằng giá nguyên liệu trong nước. Ông bảo: Mới nghe có vẻ rất hời. Nhưng tôi quyết từ chối vì 2 lý do: Tôi đã đầu tư rất nhiều vào sản xuất. Mặt khác, tôi đã yêu cầu phía đối tác cho xem mẫu tăm. Tăm của họ to, nhìn thô, ngậm vào miệng có vi chua và đắng. Tôi từ chối và nói ngay: Đây là tăm tẩm hoá chất, tôi không bán và người Việt Nam cũng không dùng tăm này.
Tưởng như đã “dứt đuôi con nòng nọc”, ngờ đâu đến năm 2009, một cơ sở tăm đũa ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa bất ngờ bị “dính” với chiêu: đũa tẩm hoá chất. Chưa kịp hiểu ngọn ngành thì đến lượt ông cũng bị lôi vào cuộc với cùng chiêu đó. Liên tiếp sau đó, ông gặp khó khăn trên nhiều mặt cùng lúc: truyền thông, ngoài thị trường và vùng nguyên liệu. Một số đơn vị truyền thông vì chưa tìm hiểu kỹ đã đưa thông tin sai lệch về hoạt động sản xuất của Bình Minh. Trong khí đó ngoài thị trường xuất hiện sản phẩm giống với sản phẩm Bình Minh nhưng có giá thành chỉ bằng 2/3. Vùng nguyên liệu ở Thanh Hoá, Nghệ An thì chỉ trong thời gian ngắn đã cạn kiệt vì bị tận thu. Đấy là còn chưa kể đến những cuộc gọi điện thoại nặc danh uy hiếp, doạ đánh, đốt xưởng…
Ông Hà chia sẻ: Cũng chính vì bị “đánh” đến tơi tả như vậy mà tôi đã có những bài học lớn trong việc quản trị doanh nghiệp, chống hàng giả, nhái, hoạt động kinh doanh không lành mạnh. Chống hàng giả và kinh doanh bẩn là cuộc chiến khốc liệt, một mất một còn nên doanh nghiệp cần tỉnh táo, hành động bản lĩnh, quyết liệt và cần đưa cả xã hội vào cuộc. Bản thân doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ bao bì nhãn mác chống hàng giả. Có bị rơi vào các tình huống như vậy mới biết doanh nghiệp khó khăn như thế nào và cần sự hỗ trợ của các bên: sự vào cuộc của lực lượng chức năng, sự công minh ủng hộ của người tiêu dùng.
Hiện nay, ai cũng biết chế tài xử phạt các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giải, nhái chưa đủ mạnh để răn đe. Thiết nghĩ, đã đến lúc nhà nước cần mạnh tay xử lý các hiện tượng trên để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp sản xuất chân chính, sâu hơn là bảo vệ nền sản xuất non trẻ trong nước. Cả nhà nước và xã hội cùng vào cuộc để tạo ra một cuộc chơi với luật chơi chặt chẽ, giúp nền sản xuất của Việt Nam tiến tiến và phát triển bền vững.
Anh Ngọc