Kiều Đại
Thời gian gần đây, các cơ quan chức nắng đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến việc hàng giả, hàng nhái, hàng nước ngoài đội lốt “made in Việt Nam”. Tạp chí Hàng hóa và Thương hiệu đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (VATAP) về vấn đề này.
Tình trạng hàng giả, hàng nhái ở nước ta là nghiêm trọng
- Thưa ông, ông có nhận xét như thế nào về tình trạng hàng giả, hàng nhái “made in Việt Nam” trong thời gian qua?
- Phải nói rằng, tình hình hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam diễn ra tương đối nghiêm trọng, gần như có ở tất cả các ngành hàng, mặt hàng và tương đối phổ biến. Việc này, Chính Phủ rất quan tâm và đã có những chỉ đạo rất quyết liệt trong việc chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Thế nhưng, kiểm soát rất khó vì chúng ta nằm ở gần trung tâm của một trung tâm, khu vực hàng giả khá phổ biến, kỹ thuật tinh vi trong bối cảnh nền công nghiệp của chúng ta mới phát triển, ngành công nghiệp phụ trợ của chúng ta cũng còn khó khăn. Trong khi nhu cầu hàng hóa của chúng ta là rất lớn nên lượng hàng giả, hàng nhái tuồn vào nước ta tương đối lớn từ chợ biên giới cho tới siêu thị, chợ nông thôn… Vì vậy, tình hình hàng giả, hàng nhái thực tế đang diễn ra rất nghiêm trọng. Các chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các cơ quan ban ngành cũng rất nhiều, rất quyết liệt nhưng chúng ta chưa khắc phục được nhiều lắm.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (VATAP)
- Về thương hiệu “made in Việt Nam”. Có thể nói, chúng ta đã có những thành công nhất định. Nhưng vì sao đến thời điểm này, thương hiệu “made in Việt Nam” của chúng ta lại có nhiều sản phẩm bị làm nhái, làm giả đến như vậy?
- Thực ra mà nói, trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính Phủ thì thấy có nhiều ngành hàng đã phát triển. Thương hiệu “made in Việt Nam” trong một số ngành, hàng đã nhận được sự quan tâm của khách hàng như: sắt, thép, tôn… rồi các hàng may mặc rất được thế giới quan tâm và lượng xuất khẩu của chúng ta liên tục tăng. Vậy nhưng, nhu cầu trong nước của chúng ta cũng rất lớn, rất phong phú. Tôi theo dõi nhiều năm thấy hàng giả, hàng nhái sản xuất trong nước tương đối ít mà chủ yếu là từ nước ngoài đưa vào. Vì như tôi đã nói, do chúng ta nằm ở gần khu vực, gần trung tâm sản xuất hàng giả, hàng nhái lớn của thế giới.
Chúng ta xây dựng được một thương hiệu “made in Việt Nam” rất công phu, rất vất vả nhưng ở nước ngoài người ta sản xuất rồi đưa vào “đội lốt” “made in Việt Nam” gây ra cạnh tranh không công bằng. Thế nhưng, việc giải quyết vấn đề này không phải là ngày một ngày hai.
Cần làm rõ thế nào là “made in Việt Nam”
- Theo ông, cần có giải pháp như thế nào để chấn chỉnh tình trạng hàng nước ngoài “đội lốt” “made in Việt Nam”?
- Nếu mà nói rằng, hàng nước ngoài rồi gắn nhãn mác Việt Nam thì hoàn toàn sai. Việc sản phẩm nước ngoài gắn mác Việt Nam, tôi hiểu ở đây là đã thành phẩm rồi. Trường hợp ấy là sai ngay cả trong Luật sở hữu trí tuệ, ngay trong Nghị định 43 của Chính Phủ về nhãn hàng hóa là có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu sản phẩm là của nước ngoài mà gắn mác Việt Nam là hoàn toàn sai. Tôi cho rằng, khía cạnh này là rõ.
Thế nhưng, nếu nói rộng là một chút thì hiện nay nước ta, nguồn công nghiệp phụ trợ còn rất ít, tôi liên tưởng đến một điều, thế nào là “made in Việt Nam”. Nếu như tôi nhập nguyên liệu, linh kiện về sản xuất thì thế nào sẽ được ghi nhãn mác là “made in Việt Nam”, cái “made in Việt Nam” thể hiện cái vinh quang của dân tộc ta. Thế nhưng, trong đó có những sản phẩm mà tôi phải nhập linh kiện, nguyên liệu từ nước ngoài về sản xuất thì sao. Phải có quy định rõ, bao nhiêu phần trăm nguyên liệu, linh kiện doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam thì được gắn mác “made in Việt Nam”.
Trong nghị định 43 về nhãn hàng hóa, chúng ta chỉ ghi về việc địa chỉ ở đâu rồi sản xuất cái gì, trách nhiệm của việc ghi nhãn. Vậy nhưng, đi vào chi tiết của vấn đề thì Nghị định 43 lại không có và chưa thể hiện rõ được việc nếu như doanh nghiệp nhập linh kiện, nguyên liệu nước ngoài về sản xuất thì như thế nào. Để làm rõ vấn đề này và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì chúng ta phải làm rõ về mặt luật pháp. Tôi được biết là Bộ Công thương đang nghiên cứu tiêu chí thế nào là “made in Việt Nam”. Việc ra đời bộ tiêu chí này sẽ tạo ra được hành lang pháp lý rõ ràng về vấn đề này.
- Thưa ông, doanh nghiệp có vai trò như thế nào trong việc chống hàng giả, hàng nhái?
Việc xây dựng thương hiệu đối với doanh nghiệp và nền kinh tế là cực kì quan trọng, nhìn ra thế giới có cảm giác rằng, nước nào có nhiều thương hiệu nổi tiếng nước ấy sẽ giàu. Nước Mỹ nếu tính phần trăm thương hiệu lớn thì họ chiếm đến gần 50% của thương hiệu lớn của thế giới. Trải qua một thời gian dài phấn đấu, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nước ta đã tạo ra được một số thương hiệu có dấu ấn trên thị trường thế giới. Một số mặt hàng như: thủy sản, sắt, thép, nông sản, may mặc… đã tạo được sức hút riêng. Vậy nhưng, thực sự nước ta vẫn chưa có một thương hiệu lớn tầm cỡ thế giới nào.
Việc xây dựng thương hiệu, chủ yếu là vai trò của doanh nghiệp còn nhà nước chủ yếu là khuếch trương, tôn vinh để nở rộ phong trào xây dựng thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu là cực kì quan trọng và việc bảo vệ thương hiệu cũng rất quan trọng. Các lực lượng thực thi đã có nhiều biện pháp cố gắng, nhưng tình hình còn diễn biến phức tạp, muốn chống hàng giả cũng cần những thương hiệu lớn trong nước phát triển. Việc chống hàng giả, hàng nhái có thành công được hay không một phần quan trọng là từ việc các thương hiệu trong nước chúng ta có vươn lên để chiếm lĩnh thị trường được hay không.
- Xin cảm ơn ông!