“Cuộc chiến chưa có hồi kết”, “Vấn nạn không lối thoát”, “Bài toán nan giải”…
Chỉ cần nghe thấy những cụm từ như vậy, chúng ta thường liên tưởng ngay đến vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Bởi vì, chưa bao giờ trong lịch sử sản xuất của mình, con người lại chứng kiến nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan, gây bức xức như hiện nay.
Làm giả tất cả những gì được ưa chuộng đã trở thành chuyện hiển nhiên, không một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào không có hàng giả, hàng nhái. Chúng có mặt khắp nơi, từ nông thôn tới thành thị; có ở các chủng loại, từ mặt hàng có giá trị cao như kim cương, trang sức tới bình thường như giày dép, quần áo, đồ gia dụng... Chip điện tử, máy tính xách tay, điện thoại di động… vốn là những sản phẩm công nghệ cao, phức tạp cũng trở thành đối tượng; các sản phẩm tinh thần, trí tuệ như sách, đĩa nhạc, phim, phần mềm máy tính… cũng không nằm ngoài vùng “phủ sóng” của hàng giả, hàng nhái. Với ưu thế rẻ hơn, thậm chí ra đời trước khi những sản phẩm chính hãng tới tay các đại lý phân phối, hàng giả, hàng nhái thực sự trở thành “đối thủ” đáng gờm của hàng “xịn”.
Ở Việt Nam, tại các chợ giáp biên có thể dễ dàng mua rượu của các thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ bất ngờ: Whisky 20.000 - 30.000 đồng/chai, St-Rémy, XO Brandy chỉ 80.000 đồng/chai. Thực phẩm chế biến, hoa quả tươi, khô của Thái Lan, Trung Quốc đầy ắp các chợ mà chỉ có trời mới biết chất lượng thực sự ra sao. Với 2 triệu đồng, người ta có thể sở hữu chiếc điện thoại hiệu Vertu láng coóng, khoảng 15 - 20 triệu đồng đã có thể vi vu trên chiếc xe tay ga “nhái” @ hay SH 300i, và chỉ vài trăm nghìn đồng cho chiếc túi Loui Vuiton. Trong khi giá trị thật của những hàng hóa này thì cao gấp nhiều lần. Đáng nói nữa là những mặt hàng có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như: thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, rượu bia… bị làm giả nhiều nhất.
Hàng giả hàng nhái tràn lan, thậm chí trắng trợn, công khai gây tổn hại tới người tiêu dùng nhưng phòng và chống thì thật nan giải. Biện pháp xử phạt của nhà nước chưa đủ mạnh và thiếu tính răn đe nên có nhiều trường hợp xử phạt nhiều lần nhưng lần sau đến kiểm tra vẫn tiếp tục vi phạm.
Pháp luật quy định xử lý hàng giả, hàng nhái bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả. Chi phí giám định, theo quy định bên vi phạm phải nộp nhưng hầu như không có đương sự nào chấp hành.Không hiếm trường hợp lực lượng thi hành phải ứng tiền túi. Một khó khăn khác là không có mẫu để giám định, như rượu Henessy giả khi đưa ra bán trên thị trường thì cái vỏ chai là thật, chất lượng rượu bên trong lại không được nhà sản xuất nước ngoài công bố tại Việt Nam, dẫn tới cơ quan chức năng cũng không biết dựa vào đâu mà xử lý. Chưa kể không ít doanh nghiệp e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng vì liên quan đến việc làm giả nên khi được mời đến cơ quan chức năng để xác nhận hàng giả thì từ chối.
Cấp bằng “sở hữu trí tuệ” là một biện pháp nhưng cũng không đem lại hiệu quả như mong muốn. Bởi doanh nghiệp và sản phẩm thì nhiều, đơn vị được phép cấp bằng thì ít, người có trình độ chuyên môn để thẩm định cấp bằng và kiểm tra khi có tranh chấp chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Việc dán tem hàng hóa cũng không đem lại hiệu quả bởi bản thân tem chống hàng giả cũng bị quay vòng, giả mạo.
Vẫn biết chống hàng giả hàng nhái là cuộc chiến lâu dài và gian nan; nhưng thiết nghĩ chúng ta có thể hạn chế và ngăn chặn hoạt động này thông qua một số biện pháp như:
Hệ thống pháp luật để xử lý vi phạm cần được kiện toàn và phải có tính răn đe, ngăn chặn cao. Các cơ quan chức năng có liên quan như: Cục bản quyền, Cục Sở hữu trí tuệ, Cục quản lý thị trường…. cần được nâng cao cả chất và lượng và cần phối hợp đồng bộ với nhau.
Bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải có “kênh” phát hiện hàng giả, hàng nhái riêng của mình. Chủ động bảo vệ mình thông qua xin cấp bằng sáng chế, bằng sở hữu trí tuệ. Có ý thức trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu, các thông tin để nhận biết hàng thật, hàng giả cần được đăng tải thường xuyên qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Người tiêu dùng nên ý thức rõ việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và gia đình, thay đổi nhận thức của bản thân về chất lượng hàng hóa… để trở thành “người tiêu dùng thông thái”. Không nên phó mặc chuyện chống hàng giả, hàng nhái cho nhà nước và doanh nghiêp.
Sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước, nhà sản xuất và người dân, cùng nâng cao ý thức phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là cách bảo vệ an toàn nhất cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.