Bát Tràng là làng nghề đầu tiên trong số hơn 2000 làng nghề ở Việt Nam đăng ký Thương hiệu cho địa phương mình. Thương hiệu “Gốm sứ Bát Tràng” được công nhận tháng 11/2004. Qua 10 năm xây dựng và phát triển, câu chuyện Thương Hiệu ở Bát Tràng vẫn còn nhiều trăn trở.
Những thành tựu
Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là làng nghề truyền thống với hơn 600 năm tuổi đời. Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, Bát Tràng đã sản xuất ra nhiều sản phẩm độc đáo từ gốm sứ, như: men ngọc, hoa nâu, men rạn, hoa lam…
Các sản phẩm gốm, sứ Bát Tràng đã đạt tới trình độ kĩ thuật chế tác cao, tính nghệ thuật và thẩm mỹ sâu sắc. Đề tài phổ biến trên các sản phẩm là hình rồng, phượng, thơ, câu đối, hoa văn; phản ánh thiên nhiên, đời sống tâm linh, sinh hoạt hàng ngày… qua con mắt và tâm hồn người thợ.
Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng mang hơi thở dân gian
Từ 2002, các nghệ nhân Bát Tràng đã liên kết, cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng. Và từ 11/2004 đăng ký và được công nhận Thương hiệu Gốm sứ Bát Tràng.
Hiện tại xã Bát Tràng gồm 2 làng Bát Tràng, Giang Cao với 1800 nhân khẩu. Nghề gốm của Bát Tràng không chỉ tạo công ăn việc làm trong xã mà tạo công ăn việc làm cho 4000 – 5000 lao động thường xuyên từ nơi khác đến.
Những người thợ lành nghề hăng say với công việc
Quá trình xây dựng và phát triển của xã Bát Tràng, đặc biệt là từ khi bước vào thời kì đổi mới (1986) đến nay luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Xây dựng thương hiệu “Gốm sứ Bát Tràng” luôn nằm trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế địa phương, liên tục được đầu tư, phát triển.
Mô hình kết hợp sản xuất, trưng bày sản phẩm với phát triển du lịch, xuất khẩu tại chỗ nhằm quảng bá thương hiệu được áp dụng thành công và phát huy hiệu quả cao. Sản phẩm của làng nghề bắt đầu tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế và bước đầu được đón nhận.
Người Bát Tràng cũng chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về thị trường, các kiến thức, cộng nghệ sản xuất tiên tiến, cũng như từng bước áp dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để nâng cao năng lực cạnh tranh.
… và khó khăn
Mặc dù có những thành tựu đáng kể, nhưng xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề gốm sứ ở Bát Tràng vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Giá sản phẩm tăng liên tục do ga tăng giá
Giá sản phẩm liên tục tăng do giá ga tăng là một trong những nguyên nhân cơ bản. Việc xây dựng các lò nung bằng ga là một bước tiến quan trọng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì gốm, sứ sử dụng lò nung ga cho màu đều, đẹp, bóng và bền hơn, lại không ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên với việc giá ga liên tục tăng, chiếm tới 55% số tiền đầu tư, nhiều hộ đã quay trở về với lò than truyền thống.
Bên cạnh đó đối thủ cạnh tranh của Bát Tràng là gốm sứ Trung Quốc với cách làm công nghiệp (dán đề - can thay vì vẽ tay) đang tràn ngập thị trường quốc tế, trong nước, với ưu thế về mẫu mã, giá rẻ. Một số hộ tham lợi trước mắt thậm chí còn tiếp tay cho hàng Trung Quốc xuất hiện ngay giữa làng thông qua việc bán hàng tàu dưới mác Bát Tràng.
Hàng Trung Quốc xuất hiện ngay tại Bát Tràng
Người tinh mắt có thể nhận ra sự khác biệt giữa sản phẩm công nghiệp và hàng thủ công. Sản phẩm kém chất lượng của Trung Quốc sau một thời gian sử dụng thường có một lớp cặn đen bên dưới (do sử dụng chì trong quá trình chế tác). Điều này sẽ gây mất niềm tin, ảnh hưởng đến thương hiệu Gốm sứ Bát Tràng.
Việc đưa sản phẩm ra giới thiệu trên trường quốc tế còn nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, chủ yếu mang tính cá nhân, tự phát, và nhất là thiếu… tiền. Chi phí cho mỗi lần triển lãm ở nước ngoài khá lớn, thường 300 – 500 triệu/lần. Việc này vượt quá sức của phần đa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh Bát Tràng. Trong khi việc tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng rất hạn chế. Việc cho vay để tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài là rất khó để thuyết phục được các ngân hàng.
Một góc chợ Bát Tràng
Quảng bá, bán hàng trực tiếp đã khó, nhưng việc “đánh bắt xa bờ” thông qua Thương mại Điện tử (TMĐT) cũng khó khăn không kém. Các doanh nghiệp gốm sứ Bát Tràng đã sớm nhận ra tầm quan trọng của TMĐT trong kinh doanh, nhưng việc ứng dụng vẫn còn rất nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp có website từ trước năm 2003. Nhưng chỉ một thời gian là ngừng hoạt động do các website này không đem lại hiệu quả. Sự nghèo nàn về thông tin, thiếu cập nhật, quản lý kém, nền tảng công nghệ yếu… khiến cho các website chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin, giới thiệu trong khi yếu tố quan trọng nhất là khả năng giao dịch, bán hàng trực tuyến thì không có.
Lời kết
“…Ước gì anh lấy được nàng, để anh mua gạch Bát Tràng về xây”
Những sản phẩm tài hoa, ghi dấu đôi bàn tay khéo léo, mang cái thần thái của người thợ luôn được trân trọng. Người Việt xưa đã biết đánh giá chất lượng của sản phẩm thông qua thực tế tiêu dùng. Các sản phẩm tốt, được tin dùng đã đi vào thi ca như một sự ghi nhận, minh chứng.
Một khu tiểu cảnh được dàn dựng công phu từ gốm, sứ
Việt Nam sẽ xoá bỏ hàng rào thuế quan vào năm 2016 (theo như cam kết khi gia nhập WTO), mặt khác cũng đang đàm phán để gia nhập Hiệp định Hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các doanh nghiệp trên cả nước nói chung, tại Bát Tràng nói riêng sẽ đứng trước rất nhiều thuận lợi, thách thức.
Là một sản phẩm thủ công truyền thống, được ghi nhận qua hàng trăm năm sử dụng cả trong và ngoài nước, Bát Tràng có nhiều thế mạnh để xây dựng thành công thương hiệu chung của làng nghề. Điều đó cần nhiều ngành, nhiều cấp và người Bát Tràng phải chung tay.
Văn hóa, truyền thống, con người Bát Tràng sẽ tạo nên sự khác biệt!
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông…
Sự thành công của Thương hiệu “Gốm sứ Bát Tràng” sẽ đem lại niềm tin, truyền cảm hứng cho các làng nghề trong cả nước.